Giê-rê-mi, con trai của thầy tế lễ Hinh-kia, là tác giả cuốn sách mang tên ông. Sách Giê-rê-mi là sách tiên tri dài nhất trong Kinh thánh. Tiên tri Giê-rê-mi chia sẻ nhiều về cuộc đời của ông hơn bất kỳ tiên tri nào khác. Ông quê ở A-na-tốt, một thị trấn cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng ba dặm về phía đông bắc. Mặc dù xuất thân từ một gia đình thầy tế lễ, nhưng dường như Giê-rêmi không bước vào chức vụ thầy tế lễ trước khi trở thành tiên tri của Chúa. Ông bắt đầu chức vụ tiên tri dưới triều của vua Giô-si-a và kết thúc chức vụ vài năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem rơi vào tay đế quốc Ba-by-lôn vào năm 586 Trước Chúa. Chức vụ tiên tri của Giê-rê-mi kéo dài gần sáu mươi năm từ khoảng năm 640 Trước Chúa đến năm 580 Trước Chúa. Ông bắt đầu chức vụ của mình ngay trước khi vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên sụp đổ vào tay đế quốc A-si-ri vào năm 622 Trước Chúa. Chức vụ tiên tri của Giê-rê-mi, cùng với những tiên tri cùng thời với ông như Ha-bacúc, Sô-phô-ni, Ê-xê-chi-ên, và Áp-đia chủ yếu chú trọng vào dân thành Giê-ru-sa-lem và vương quốc phía nam Giu-đa. Vì Chúa trong một số trường hợp Giê-rê-mi cũng công bố những lời phán xét trên các quốc gia chung quanh (46:1–51:64).

Sứ điệp chính của Giê-rê-mi cho Giu-đa là hãy ăn năn vì sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp đến với họ. Chúa sắp trừng phạt tội thờ hình tượng của họ, lòng tham của các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tiên tri giả lộng hành, và dân sự sẵn sàng đi theo họ và tìm đến Ai Cập để cứu họ thay vì tin cậy nơi Chúa. Đức Chúa Trời sắp sử dụng quân Ba-by-lôn làm công cụ phán xét của Ngài trên Giu-đa. Vì thế, nếu họ chịu phục tùng quân Ba-by-lôn sẽ tốt hơn cho họ vì họ không thể thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Thật là vô ích nếu dân Giu-đa chọn chạy trốn sang Ai Cập để cố thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời vì sự phán xét của Ngài sẽ theo họ đến đó. Tuy nhiên, Giê-rê-mi cũng có một sứ điệp về

hy vọng và sự phục hồi trong tương lai cho cả hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, cùng với nhà Đa-vít (30:1–33:26). Giê-rê-mi đã chứng kiến sự sụp đổ của Giu-đa và sự tàn phá của thành Giê-ru-sa-lem cùng với đền thờ Giê-ru-sa-lem. Dựa trên truyền thống, cách hành văn, và nội dung của hai sách Giê-rê-mi và Ca thương, các học giả Kinh thánh kết luận rằng Giê-rê-mi đã viết cả hai sách này.

Ca thương gồm năm bài thơ mô tả sự đau khổ mà tiên tri Giê-rê-mi và dân sự của ông đã trải qua khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ. Có thể ông đã viết sách này vào khoảng cuối năm 586 Trước Chúa hoặc đầu năm 585 Trước Chúa. Sách Ca thương chú trọng vào sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với giao ước của Ngài với Y-sơ-ra-ên khi Ngài vừa phán xét tội lỗi vừa hứa phục hồi họ sau đó. Điều này phù hợp với tình yêu trước sau như một của Ngài dành cho họ. Các bài thơ này chú trọng vào tội lỗi và đau khổ của con người, sự trung tín của Chúa để phán xét và phục hồi, cũng như hy vọng của Giê-rê-mi vào Chúa giữa khổ đau và buồn rầu.

[Sach TCN, Tập Học Viên, Trang 11 & 12]