GIÊ-RÊ-MI  Bài 2 ” CHÚA PHÁN XÉT”: TỈNH NGUYỆN & KHÁM PHÁ LỜI CHÚA HÀNG NGÀY

Ngày 1, Thứ Hai 5/6/2023: Giê-rê-mi 2:1-3 “1 Có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi:2 “Hãy đi và nói vào tai dân thành Giê-ru-sa-lem rằng: Đức Giêhôva phán thế nầy: ‘Ta nhớ đến lòng trung tín của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi như cô dâu mới về nhà chồng, lúc ngươi theo Ta trong hoang mạc, trên vùng đất không gieo trồng. 3 Y-sơ-ra-ên là dân biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va, là trái đầu mùa của hoa lợi Ngài. Những ai ăn nuốt dân ấy sẽ mắc tội, tai họa sẽ giáng trên chúng.” Đức Giê-hô-va phán vậy.

So sánh Giê-rê-mi 1:7 với 2:1-3.

Những câu này nhắc lại điều Đức Chúa Trời đã hứa với Giêrêmi khi Ngài kêu gọi ông làm tiên tri cho Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho Giê-rê-mi những lời nói và chỉ cho ông biết ông phải đi đâu để nói những điều đó (xem 1:7). Trong trường hợp này, Chúa bảo Giê-rê-mi đi trực tiếp đến thành Giê-ru-sa-lem để công bố sứ điệp của Ngài. Ba lần trong câu 1-3, Giê-rê-mi nhắc nhở dân sự rằng sứ điệp của ông không phải của riêng ông mà là của Chúa.

Lời đầu tiên của Đức Chúa Trời với thành Giê-ru-sa-lem là Ta nhớ. Chúa nhớ lại lúc Y-sơ-ra-ên giống như một cô dâu trẻ khi Ngài cam kết với cô ấy và thiết lập giao ước của Ngài với họ tại Sinai. Y-sơ-ra-ên đã hứa tuân theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời và trung tín với chỉ mình Ngài mà thôi. Y-sơ-ra-ên tin cậy Đức Giêhôva và theo Ngài đến tận vùng cằn cỗi của đồng vắng, nơi Ngài yêu thương dẫn dắt họ với một đám mây vào ban ngày và một trụ lửa vào ban đêm. Đức Chúa Trời bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên yêu dấu của Ngài và cung cấp cho họ mọi nhu cầu trong đồng vắng. Dẫu vậy, những gì lẽ ra phải là những kỷ niệm vui vẻ bây giờ trở thành những ký ức đau thương đối với Chúa.

Không có quốc gia nào khác từng được Chúa chọn như thế này. Y-sơ-ra-ên là hình ảnh của lòng trung tín, tình yêu thương và sự cam kết với Chúa. Họ thuộc về Chúa cũng như “trái đầu mùa” của họ thuộc về Ngài. Dâng hiến “trái đầu mùa” là biểu hiện của lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời về những gì Ngài đã ban cho họ và với kỳ vọng về mùa gặt trúng mùa sắp đến (Lê-vi ký 23:10-14; Phục truyền 26:1-11). Y-sơ-ra-ên là trái đầu mùa của Chúa ngụ ý rằng rằng thứ nhất, họ đã được dành riêng cho Ngài và thứ hai, sẽ có nhiều trái hơn theo sau họ, là kỳ vọng về một vụ thu hoạch lớn hơn trong tương lai sẽ đến từ giữa các quốc gia. Hơn nữa, Đức Chúa Trời sốt sắng bảo vệ nàng dâu của Ngài và tai họa sẽ giáng đến bất cứ ai muốn làm hại nàng (Xuất 23:22). Chúa đã chứng tỏ cam kết bảo vệ dân sự Ngài nhiều lần trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Mặc dầu tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho nàng dâu Y-sơ-ra-ên của Ngài, thực tế lúc này đã cho thấy thất bại của Y-sơ-ra-ên không giữ lời hứa họ đã hứa với Ngài.

Tại sao chúng ta dễ quên những hành động ân điển của Đức Chúa Trời cho chúng ta? Hậu quả của sự lãng quên thuộc linh là gì?

______________________________________________________________________________

______________________________________________________________________________

Ngày 2, Thứ Ba 6/6/2023: Giê-rê-mi 2:4-5 “4 Hỡi nhà Gia-cốp và mọi gia tộc Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va! 5 Đức Giê-hô-va phán thế nầy: “Tổ phụ các ngươi có thấy điều bất chính nào trong Ta không mà đã lìa xa Ta, đi theo sự hư không, và trở thành những kẻ vô giá trị?”

Hãy nhận ra ba cách mà câu hỏi trong câu 5 có thể được hiểu.

Chúng ta có thể hiểu câu hỏi trong câu 5 (“Tổ phụ các ngươi có thấy điều bất chính nào…?”) trong câu 5 theo một trong ba cách:

Cách hiểu thứ nhất, tổ tiên của họ không thể tìm thấy điều bất chính nào nơi Chúa đã khiến họ có lý do quay lưng lại với Ngài và đi theo những thần tượng hư vô. Câu hỏi và câu trả lời này nhấn mạnh sự công chính của Đức Chúa Trời và chứng tỏ họ không thể trách Ngài về những gì sắp xảy ra, đó là cuộc xâm lăng từ phương bắc (Phục truyền 32:4).

Cách hiểu thứ hai là Chúa thách thức họ đưa ra những lời khiếu nại về Ngài. Trong Giê-rê-mi 2:29, Chúa cho biết rằng dân sự đã lập mưu tố cáo Ngài. Họ nhanh chóng đổ lỗi cho Chúa về tội lỗi của họ như một số người ngày nay.

Cách hiểu thứ ba là Chúa đang chán ngán trước sự bội bạc và bất trung của họ dù rằng Ngài đã ban cho họ biết bao điều. Lòng vô ơn và sự bất trung với Chúa đã làm cho Y-sơ-ra-ên trở nên hư không và bất lực như những thần tượng mà họ tôn thờ. Giê-rêmi nói khi họ tôn thờ những vị thần bất lực, họ tự đặt mình vào tư thế bất lực. Giống như các vị thần của họ, họ đã trở nên hoang tưởng và trống rỗng. Chúa đã sử dụng cách chơi chữ ở đây vì trong tiếng Do Thái, từ “vô giá trị” nghe giống như cái tên Ba-anh, là thần sinh sản của người Ca-na-an.

Ngày nay, người ta thay thế Đức Chúa Trời bằng những loại thần tượng vô giá trị nào?

______________________________________________________________________________

______________________________________________________________________________

Ngày 3, Thứ Tư 7/6/2023: Giê-rê-mi 2:6-8  “6 Họ không hề hỏi: ‘Đức Giê-hô-va đâu rồi? Ấy là Đấng đã đem chúng ta lên khỏi Ai Cập, dắt chúng ta qua hoang mạc, qua xứ hoang vu đầy hầm hố, miền đất khô cằn và trũng bóng chết, nơi không có người qua lại, và chẳng ai dám ở.’7 Ta đã đem các ngươi vào một vùng đất trù phú để hưởng hoa quả và các sản vật tốt đẹp của nó. Nhưng khi vào đó, các ngươi đã làm ô uế đất Ta, đã làm cho sản nghiệp Ta trở nên ghê tởm. 8 Các thầy tế lễ không buồn hỏi: ‘Đức Giê-hô-va ở đâu?’ Những người giảng dạy luật pháp không còn biết đến Ta nữa. Những kẻ chăn nổi lên chống lại Ta; các tiên tri lại nhân danh Ba-anh mà nói tiên tri, chạy theo các thần tượng vô ích.”

Hãy chiêm ngưỡng những gì Chúa đã làm cho dân Ngài.

Chúa đã tóm tắt những gì Ngài đã làm cho dân sự Ngài: Thứ nhất, Ngài giải thoát họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Thứ hai, Ngài dẫn dắt họ đi qua hoang mạc một cách an toàn. Trong Thi Thiên 23:4, Đa-vít mô tả vùng hoang dã và sự bảo vệ của Chúa như thế nào. Thứ ba, Chúa đã chu cấp cho mọi nhu cầu của họ. Thứ tư, Chúa đã đưa họ đến vùng đất Ca-na-an trù phú và màu mỡ để họ có thể tận hưởng sự phong phú của nó. Đáng lẽ điều này sẽ khiến Y-sơ-ra-ên trở thành một dân biết ơn và cam kết với Đức Chúa Trời. Nhưng ngược lại, dân sự của Đức Chúa Trời đã quên Ngài và tất cả những gì Ngài đã làm cho họ. Thay vào đó, họ đã làm ô uế đất đai của Chúa và làm cho sản nghiệp mà Ngài đã ban cho họ trở nên ghê tởm. Dân được biệt riêng cho Chúa đã làm ô nhiễm chính họ và luôn cả đất thánh Chúa đã ban cho họ.

Trong câu 8, Đức Chúa Trời đã lên án với dân Do thái vì họ quên tất cả những gì Ngài đã làm cho họ và từ bỏ Ngài để theo các thần tượng. Tuy nhiên, trong câu này, Đức Chúa Trời lên án các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên (xem 2:26; 5:5). Ai cũng muốn đi theo sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo của họ. Chúa liệt kê bốn nhóm lãnh đạo đã từ bỏ Ngài và dẫn dắt dân sự lầm đường lạc lối: các thầy tế lễ, các luật gia, những người cai trị, và các tiên tri.

Theo Kinh luật, các thầy tế lễ chịu trách nhiệm dạy dân sự luật pháp của Ngài. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người ngừng hỏi, Đức Giê-hô-va ở đâu? khi chính các thầy tế lễ đã quay lưng lại với Ngài và không tự hỏi câu hỏi này. Những người giảng dạyluật pháp là những người lớn tuổi chịu trách nhiệm duy trì công lý tại các tòa án, nhưng họ cũng không biết Chúa nữa. Những kẻ chăn là người lãnh đạo hành chính do nhà vua bổ nhiệm để chăn dắt mọi người sống trong luật pháp. Nhưng họ lại nổi lên chống lại Chúa! Các tiên tri là những người sứ giả của Chúa đáng lẽ phải đại diện cho Chúa, nhưng họ lại nói tiên tri trong danh của tà thần Ba-anh..

Tại sao chúng ta dễ quên tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta? Việc ghi nhớ ân điển của Đức Chúa Trời thúc đẩy bạn vâng lời Ngài như thế nào?

______________________________________________________________________________

______________________________________________________________________________

Ngày 4, Thứ Năm 8/6/2023: Giê-rê-mi 2:9-12 “9 Đức Giê-hô-va phán: “Vì vậy, Ta buộc tội các ngươi và buộc tội cả con cháu của các ngươi nữa. 10 Hãy qua đảo Kít-tim mà xem, hãy cử người đến Kê-đa mà tìm hiểu thật kỹ càng; Để xem đã từng có việc như thế bao giờ chưa. 11 Có dân tộc nào thay đổi thần của mình không?— Dù chúng chẳng phải là thần —Thế mà dân Ta đã đổi vinh quang của mình để lấy thần tượng vô ích! 12 Hỡi các tầng trời, hãy kinh ngạc về việc nầy, hãy rúng độngvà thật sự bàng hoàng.” Đức Giê-hô-va phán vậy

Hãy chú ý đến lời buộc tội của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài.

Câu 9: Một khi bằng chứng về sự bất trung trong giao ước của họ với Chúa đã được phơi bày, Chúa, với tư cách là một công tố viên, đã chính thức buộc tội chống lại Y-sơ-ra-ên. Ở vùng Tiểu Á, các nước chư hầu bị trừng phạt nghiêm khắc nếu họ vi phạm giao ước với các nước lớn hơn. Hậu quả của hình phạt cay đắng sẽ kéo dài đến các thế hệ mai sau. Do đó, không ai có thể phớt lờ được mức độ nghiêm trọng và ý nghĩa của lời cáo buộc của Chúa. Sứ điệp của Giê-rê-mi là Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét của

CÁC CÂU 10-12

Tiếp theo, Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên đi về phía tây đến đảo Kít-tim nằm trong biển Địa Trung Hải và phía đông đến Kê-đa ở Ả Rập để thấy các dân tộc thờ các thần khác như thế nào. Các dân này đang tôn thờ những vị thần giả hiệu nhưng họ vẫn trung tín với các thần đó. Ngược lại, Y-sơ-ra-ên biết Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật duy nhất, nhưng họ lại bỏ rơi Ngài vì những thần tượng vô ích. Y-sơ-ra-ên còn tệ hơn cả các dân tộc thờ tà thần kia.

Khi Đức Chúa Trời đã kêu gọi các tầng trời để làm chứng về những vi phạm của Y-sơ-ra-ên, các tầng trời đã rúng động và bàng hoàng bởi tội ác của Y-sơ-ra-ên, vì tất cả tạo vật của Đức Chúa Trời đều tuân theo Đức Chúa Trời và bày tỏ sự vinh hiển của Ngài (xem Thi thiên 19:1). Nên nhớ, khi Đức Chúa Trời lập giao ước với Y-sơ-ra-ên, Ngài kêu gọi các từng trời làm nhân chứng, vì vậy thật là thích hợp bây giờ để kêu gọi trời làm chứng Y-sơ-ra-ên đã vi phạm giao ước với Chúa như thế nào (Phục truyền 4:26; 30:19; 31:28; 32:1). Từ kinh ngạc xuất phát từ động từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “rởn tóc gáy” hoặc “dựng tóc gáy,” mang theo ý tưởng “rùng mình kinh hãi.” Cụm từ các từng trời thật sự bàng hoàng có nghĩa đen là “cạn kiệt.” Đức Chúa Trời đang bảo các tầng trời giữ lại nước ban sự sống (cạn kiệt) cho họ.

Làm thế nào các thần tượng quyến rũ một người để họ ngừng tìm kiếm Đức Chúa Trời thật?

______________________________________________________________________________

______________________________________________________________________________

Ngày 5 Thứ Sáu 9/6/2023: Giê-rê-mi 2:13 “13 “Dân Ta đã phạm hai điều ác: Chúng đã lìa bỏ Ta, là nguồn nước sống; tự đào bể chứa nước, bể bị rạn nứt, không chứa nước được.

Nhận diện hai tội lỗi dân Chúa đã phạm.

Chúa đã nói rõ hai tội dân sự Ngài đã phạm chống lại Ngài: họ đã lìa bỏ Chúa và theo những thần tượng vô ích.

Chúa so sánh tội lỗi của Y-sơ-ra-ên với hình ảnh trao đổi một nguồn nước tinh khiết nhất để lấy các bể bị rạn nứt, không chứa được nước. Một bể chứa nước là một cái hồ chứa hình quả lê trong lòng đất nơi nước mưa có thể tích lũy. Các bể chứa bằng đá vôi xốp thường bị nứt và rò rỉ, làm nước chảy từ từ ra. Mặc dù Y-sơ-ra-ên có Chúa là nguồn nước sống, họ đã từ bỏ Ngài để có những cái bể nứt, là những thần tượng hứa hẹn nhiều nhưng cuối cùng không thể cung cấp cho nhu cầu của Y-sơ-ra-ên.

Làm thế nào để những điều con người bỏ Chúa để đánh đổi so với một bể nước bị nứt?

______________________________________________________________________________

______________________________________________________________________________

——————————————————————————————————-

PHỤ LỤC

GIÁO LÝ QUAN TRỌNG: Đức Chúa Trời

Có một và chỉ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. (xem Giê-rê-mi 10:10; 1 Ti-mô-thê 2:5)

KỸ NĂNG KINH THÁNH: Sử dụng một bản dịch Kinh Thánh khác để giúp hiểu một đoạn Kinh Thánh.

Hai lần trong Giê-rê-mi 2, Đức Chúa Trời buộc tội dân sự Ngài bỏ Ngài để đi theo những thần tượng vô giá trị (5, 11). So sánh Thi Thiên115:2-8; Ê-sai 41:22-24, 29; Giê-rê-mi 10:8; và Ô-sê 9:10. Các thần tượng này được mô tả như thế nào? Làm thế nào để những đoạn này làm sáng tỏ việc mọi người trở nên giống như những gì họ tôn thờ?

BỐI CẢNH KINH THÁNH: GIÊ-RÊ-MI 2:1-6:30

Giê-rê-mi 2:1–6:30 mô tả mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên trở nên tệ hại hơn. Bốn đoạn này cũng có thể là những bài giảng của Giê-rê-mi trong giai đoạn đầu của chức vụ tiên tri.

Giê-rê-mi tuyên bố rằng khi Đức Chúa Trời thiết lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, họ đã hết lòng vâng theo Chúa (2:1-3). Tuy nhiên, sau đó họ đã từ bỏ Ngài và thờ thần Ba-anh. Thay vì hướng về Chúa để được che chở khỏi kẻ thù của họ, dân Do thái tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước chung quanh. Khi làm điều này, họ lại còn nói họ không làm gì sai trái. Chúa lên án họ đã hành động như một gái điếm với nhiều tình nhân. Vì vậy, Chúa hứa sẽ phán xét nghiêm khắc cả nước (2:4–3:5).

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng hứa sẽ nhận lại họ nếu họ thừa nhận tội lỗi và từ bỏ thần tượng của họ. Nếu họ làm điều này, Chúa sẽ chữa lành và phục hồi họ trở về đất hứa. Khi đó, họ sẽ nhận ra rằng Chúa là sự cứu rỗi của họ. Nhưng nếu Giu-đa không ăn năn, thì họ sẽ trải qua cơn thạnh nộ của sự phán xét của Đức Chúa Trời (3:6–4:4).

Chúa sẽ dấy lên quân đội từ phía bắc để mang lại một sự hủy diệt lớn trên Giu-đa. Phản ứng duy nhất của Giu-đa sẽ là than khóc và run sợ trước kẻ thù khi các chiến xa quét qua như một

cơn bão. Giê-rê-mi tuyên bố rằng chính hành động của Giu-đa sẽ mang đến tai họa này cho họ. Ông lên án họ làm điều ác thì rất giỏi nhưng làm điều tốt thì rất dở. Trong một nỗ lực cuối cùng để tự cứu lấy mình, Giu-đa sẽ cố gắng thuyết phục kẻ thù của họ từ bỏ ý định tấn công, nhưng cố gắng của họ sẽ thất bại (4:5-31).

Đức Chúa Trời bảo Giê-rê-mi tìm kiếm cả thành Giê-ru-salem để tìm thấy một người công chính. Nếu ông tìm thấy chỉ một người công chính, Chúa sẽ ngưng thi hành bản án của Ngài. Nhưng Giê-rê-mi không tìm thấy ai, dù chỉ một người. Các tiên tri và thầy tế lễ vô đạo đức, lại còn nói láo rằng Đức Chúa Trời

sẽ mang lại hòa bình cho thành Giê-ru-sa-lem. Mọi người bác bỏ lời tuyên bố phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa cũng chán ngán những hành vi thờ phượng giả dối của họ. Vì thế, tất cả những gì còn lại họ có thể làm là than khóc mà thôi (5:1–6:30).