NGÀY 1, Thứ Hai 12/6/2023: Giê-rê-mi 7:1-2 1 Đây là lời từ Đức Giê-hô-va phán với Giê-rê-mi: 2 “Hãy đứng tại cửa nhà Đức Giê-hô-va và công bố lời nầy: ‘Tất cả các ngươi là những dân Giu-đa đi qua các cửa nầy để vào thờ phượng Đức Giê-hô-va, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va.’”

Xác định những người nhận thông điệp của Giê-rê-mi.

Sứ điệp này của Giê-rê-mi bắt đầu với phần giới thiệu giống như một số những sứ điệp khác của ông (2:1; 11:1). Nó nhấn mạnh rằng những gì Giê-rê-mi đang nói là đến từ Chúa. Nó cũng chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài khi Ngài hứa Giê-rê-mi rằng Ngài sẽ bảo ông phải nói gì (1:7, 9).

Đức Chúa Trời hướng dẫn Giê-rê-mi đi đến một trong bảy cổng dẫn vào đền thờ và công bố lời Chúa cho dân sự Ngài. Từ hãy nghe có nghĩa là “hãy chú ý lắng nghe và vâng lời.” Giê-rê-mi công bố những lời đó đủ lớn tiếng để mọi người dân có thể nghe thấy, nhưng liệu họ có chú ý và đáp lại một cách ăn năn với sứ điệp của Chúa?

Sứ điệp của Giê-rê-mi là cho những dân Giu-đa đi qua các cửa nầy để vào thờ phượng Đức Giê-hô-va. Từ thờ phượng rất quan trọng trong tiếng Hê-bơ-rơ. Từ này diễn tả hành động nằm rạp toàn thân xuống đất hoặc cúi đầu trước một người để thừa nhận vị trí cao trọng của người này và để bày tỏ lòng trung tín đối với họ. Trong bối cảnh của sứ điệp Giê-rê-mi sắp nói, việc sử dụng từ “thờ phượng” này có thể chứa một chút mỉa mai về thái độ thờ phượng giả hình của dân sự, hoặc từ này có thể là một lời nhắc nhở cho họ về thái độ thích đáng mà họ cần có trước mặt Chúa.

Khi Đức Chúa Trời bảo Giê-rê-mi công bố sứ điệp này khi dân sự đang đi vào cổng đền thờ để thờ phượng, điều này có ý nghĩa gì? Đâu là sự khác biệt giữa việc chỉ đơn thuần nghe một người và lắng nghe người đó

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

NGÀY 2, Thứ Ba 13/6/2023: Giê-rê-mi 7:3-4 3 Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán thế nầy: Hãy sửa lại đường lối và việc làm của các ngươi thì Ta sẽ cho các ngươi ở lại nơi nầy. 4 Đừng tin cậy vào những lời dối trá như: “Đây chính là đền thờ của Đức Giê-hô-va, đền thờ của Đức Giê-hô-va, đền thờ của Đức Giê-hô-va!”

Chú ý đối tượng được dân chúng tín nhiệm.

Đức Chúa Trời tự nhận mình là Đức Giê-hô-va Vạn Quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Danh xưng Đức Giê-hô-va Vạn Quân được sử dụng trong Giê-rê-mi tám mươi hai lần, nhiều hơn bất kỳ sách Cựu Ước nào khác. Danh xưng này vừa là danh hiệu hoàng gia và vừa là danh hiệu quân sự. Nó mô tả Chúa ngồi trên ngai của Ngài khi Ngài cai trị và chỉ huy các đội quân thiên sứ và quân đội của thiên đàng (xem 1 Sa-mu-ên 4:4; 2 Sa-mu-ên 6:2; Ê-sai 6:2; 24:21-23; 31:4-5). Nó chỉ rõ thẩm quyền của Chúa để đưa ra các đòi hỏi đối với dân giao ước của Ngài và khả năng của Ngài để phán xét những ai từ chối các đòi hỏi của Ngài.

Đòi hỏi đầu tiên của Đức Chúa Trời rất đơn giản: Hãy sửa lại đường lối và việc làm của các ngươi thì Ta sẽ cho các ngươi ở lại nơi nầy. Câu nói này cũng hàm ý rằng sự bất tuân liên tục của họ sẽ dẫn đến hậu quả là họ sẽ đi lưu đà

Đòi hỏi thứ hai của Đức Chúa Trời là mọi người đừng nghe những lời dối trá của những kẻ tuyên bố rằng dân thành Giê-ru-sa-lem được an toàn trước mọi mối đe dọa chống lại họ vì đền thờ được đặt ở đó. Khi lời tuyên bố đó lặp lại ba lần cho thấy họ hoàn toàn tin rằng không có gì có thể xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem và dân sự vì đền thờ ở giữa họ. Nhưng họ đã tin vào một lời nói dối. Đền thờ là nơi ơn phước mà dân sự có thể đến để thờ phượng Chúa. Nhưng nó đã trở thành một thần tượng khi họ chú trọng vào việc tin tưởng vào nơi này thay vì tin cậy Đấng đã ban đền thờ cho họ và đền thờ đó thuộc về ai.

Có thể nào chúng ta biến hội thánh của mình thành một thần tượng? Hãy giải thích. Có bằng chứng gì là ai đó đang tin tưởng vào hội thánh hơn là họ tin tưởng vào Chúa?

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

NGÀY 3, Thứ Tư 14/06/2023: Giê-rê-mi 7:5-8 5 Vì nếu các ngươi thật sự sửa đổi đường lối và việc làm của mình, nếu các ngươi cư xử với nhau cách công bằng, 6 nếu các ngươi không ức hiếp ngoại kiều, trẻ mồ côi, người góa bụa, và không làm đổ máu vô tội tại nơi nầy, cũng không chạy theo các thần khác để rước họa vào thân, 7 thì Ta sẽ cho các ngươi ở lại nơi nầy, trong xứ mà Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi từ thuở xa xưa cho đến đời đời. 8 Nhưng các ngươi lại tin cậy những lời dối trá vô giá trị

Hãy chú ý đến những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi dân Ngài.

Các câu 5-6 giải thích ý nghĩa của Đức Chúa Trời trong câu 3 khi Ngài phán: “Hãy sửa lại đường lối và việc làm của các ngươi.” Những điều kiện này đã được đặt ra cho dân Y-sơ-ra-ên khi Đức Chúa Trời lập giao ước với họ vào thời Môi-se. Thứ nhất, họ cần cư xử với nhau cách công bằng (xem Phục truyền 16:20). Thứ hai, họ cần phải ngưng đàn áp những người cô thế và yếu đuối, bao gồm cả các ngoại kiều sống giữa họ, trẻ mồ côi và góa phụ (Xuất 22:21-22; Phục truyền 24:17; 27:19). Thứ ba, họ cần phải ngừng làm đổ máu đối với người vô tội (Phục truyền 19:10). Thứ tư, họ cần chấm dứt việc thờ các thần giả (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3- 4).

Mười Điều Răn là nền tảng cho những vấn đề này. Phần đầu của Mười Điều Răn đòi hỏi dân giao ước của Đức Chúa Trời phải trung tín yêu mến Chúa và phần thứ hai đòi hỏi họ phải yêu thương nhau, Chúa đã khuyên dân sự Ngài trở về với nền tảng của giao ước của họ với Ngài (Xuất 20:3-11)

Nếu họ đáp ứng những đòi hỏi mà Đức Chúa Trời đặt ra cho họ trong các câu 5-6, thì Ngài sẽ cho phép họ sống trong đất mà Ngài đã cho tổ tiên của họ. Điều này cũng ngụ ý Chúa sẽ trục xuất họ khỏi đất này nếu họ không đáp ứng đòi hỏi của Ngài. Như vậy, đất đai là một món quà vô điều kiện hay một món quà có điều kiện? Cựu Ước xác nhận cả hai. Thứ nhất, đất đã được hứa cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, và họ không phải làm gì để đạt được nó. Theo cách đó, nó là vô điều kiện. Tuy nhiên, xét cho cùng đất đai là của Chúa, và Ngài đã ban nó cho họ miễn là họ đáp ứng điều kiện của Ngài, đó là yêu mến Đức Chúa Trời và bước đi trong đường lối của Ngài (Lê-vi ký 25:23; Phục truyền 30:15-18). Tuân theo các điều răn của Chúa không bao giờ là một điều kiện để có được đất, nhưng nó là một điều kiện để họ có thể vui hưởng các phúc lợi của đất đai. Mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời hoàn toàn chỉ là do ân sủng của Ngài. Tuy nhiên, sự vâng lời của họ là cách duy nhất để họ tận hưởng phước lành của vùng đất là do ân sủng Chúa ban. Dù rằng Đức Chúa Trời đã trình bày rõ ràng những gì Ngài kỳ vọng, họ tiếp tục không nghe Giê-rê-mi là người Ngài đã sai đến. Họ nghĩ rằng họ có thể tận hưởng những phước lành qua mối quan hệ với Chúa mà không chấp nhận những điều kiện và trách nhiệm đi kèm với các phước lành đó.

Cách đối xử với người khác, đặc biệt là trẻ mồ côi và góa phụ, là thước đo sự thờ phượng Chúa thật như thế nào?

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

NGÀY 4 Thứ Năm 15/6/2023: Giê-rê-mi 7:9-11” 9 Chẳng phải các ngươi trộm cắp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối, dâng hương cho Ba-anh, chạy theo các thần khác, là các 39 Khám Phá Kinh Thánh thần mà các ngươi không biết đó sao? 10 Thế mà các ngươi đi vào nhà nầy, là nơi được gọi bằng danh Ta, đứng trước mặt Ta và nói: “Chúng con đã được giải cứu rồi!” Các ngươi làm vậy để tiếp tục vi phạm mọi điều ghê tởm ấy. 11 Vậy thì các ngươi xem nhà nầy, nơi được gọi bằng danh Ta, là hang trộm cướp sao? Nầy, chính Ta, Ta đã nhìn thấy tất cả. Đức Giê-hô-va phán vậy”

So sánh Giê-rê-mi 7:9 với Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17.

Vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời đã trở thành một lối sống của dân Giu-đa. Ở đây, Chúa đặc biệt đề cập đến sáu trong Mười Điều Răn mà họ liên tục vi phạm (điều răn thứ sáu, bảy, tám, chín, một và hai; xem Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-17)

Y-sơ-ra-ên có một lịch sử lâu đời đi theo các thần khác. Động từ biết thường được dịch là cam kết sâu đậm và thân mật. Chúa đã bày tỏ chính Ngài cho Y-sơ-ra-ên mà không có thần nào khác làm được. Ngài yêu thương họ, chu cấp và bảo vệ họ. Ngài bày tỏ sự hiện diện liên tục của Ngài với họ từ khi họ còn ở Ai Cập đến ngày nay qua đền thờ Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, họ đã từ bỏ Chúa, Đấng luôn ở gần, bảo vệ và chúc phước cho họ để đi theo các vị thần khác đã không làm gì cho họ và không thể làm gì cho họ.

Với tất cả những gì Chúa đã làm cho họ và tất cả tội lỗi họ phạm tội chống lại Ngài, dân Giu-đa vẫn không xấu hổ khi họ vào đền thờ và trình diện trước mặt Chúa. Hai lần Chúa dùng từ nơi được gọi bằng danh Ta. Khi họ vào đền thờ, họ đang làm ô uế đền thánh của Đức Chúa Trời và làm ô danh Ngài. Tương tự như một toán cướp trú ẩn trong một hang động để tránh những người tìm kiếm họ rồi sau đó đi ra tiếp tục cướp, dân vào đền thờ tìm nơi ẩn náu của Chúa và sau đó đi ra tiếp tục làm mọi điều ghê tởm. Chúa đã nhìn thấy những gì họ đang làm

Một số cách mà một người cố biện minh cho việc tiếp tục phạm tội của mình là gì?

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

NGÀY 5 Thứ Sáu 16/6/2023: Giê-rê-mi 7:12-15 ‘Vậy, các ngươi hãy đi đến chỗ của Ta tại Si-lô, là nơi Ta đặt danh Ta từ ban đầu, mà xem Ta đã làm gì cho nó vì tội ác của dân Ta là Y-sơ-ra-ên.’ 13 Đức Giê-hô-va phán: ‘Bây giờ, vì các ngươi đã làm những việc ấy, Ta thường xuyên phán bảo các ngươi mà các ngươi không nghe; Ta đã gọi các ngươi mà các ngươi không trả lời. 14 Cho nên điều gì Ta đã làm cho Si-lô, Ta cũng sẽ làm cho nhà nầy, tức là nhà được gọi bằng danh Ta, nhà mà các ngươi nhờ cậy, và làm cho nơi mà Ta đã ban cho các ngươi cùng tổ phụ các ngươi. 15 Ta sẽ đuổi các ngươi khỏi mặt Ta, như Ta đã đuổi anh em các ngươi, tức là toàn thể dòng dõi Ép-ra-im.

Xác định hậu quả bởi tội lỗi của người dân.

Chúa dùng Si-lô làm gương cho dân Y-sơ-ra-ên. Nằm khoảng mười tám dặm phía bắc thành Giê-ru-sa-lem, Si-lô là địa điểm cố định đầu tiên của đền tạm khi họ vào đất hứa. Nó đã từng là nơi thờ phượng Chúa của Y-sơ-ra-ên trước khi vua Sa-lô-môn xây dựng đền thờ. Vào khoảng năm 1050 Trước Chúa, người Phi-lít-tin đến gần Si-lô và đối đầu với quân Y-sơ-ra-ên. Khi quân Y-sơ-ra-ên thấy mình sắp thua trận, bèn sai người đi lấy hòm giao ước như là đại diện cho sự hiện diện của Chúa (giống như dân chúng trong thời Giê-rê-mi xem đền thờ là sự hiện diện của Chúa). Họ đã sử dụng nó như là một loại bùa may mắn, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã bị đánh bại. Người Phi-li-tin chiếm được hòm giao ước và hủy diệt Si-lô (1 Sa-mu-ên 4).

Nếu Đức Chúa Trời cho phép người Phi-li-tin đánh bại dân Y-sơ-ra-ên và hủy diệt Si-lô, nơi đền tạm được dựng, và chiếm lấy hòm giao ước, thì làm sao dân sự có thể nghĩ rằng thành Giê-rusa-lem và đền thờ sẽ mãi mãi được an toàn? Chúa đã nhiều lần cảnh cáo họ qua các tiên tri của Ngài, kêu gọi họ hối cải và trở về với Ngài, nhưng họ không chịu lắng nghe. Họ thích tin tưởng vào đền thờ, nơi Đức Chúa Trời ban cho họ thay vì tin tưởng vào chính Đức Chúa Trời

Chúa tuyên bố rằng cũng giống như anh em của họ ở vương quốc Y-sơ-ra-ên đã bị quân A-si-ri bắt đi làm phu tù, họ sẽ bị lưu đày như vậy. Giu-đa lẽ ra phải học từ những gì đã xảy ra cho Si-lô và vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên để hiểu rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng khi họ bất tuân Đức Chúa Trời

Việc xem xét cách Đức Chúa Trời đối phó với sự bất tuân trong quá khứ giúp chúng ta hiểu cách Ngài đối phó với sự bất tuân ngày hôm nay ra sao?

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

ÁP DỤNG ĐOẠN KINH THÁNH

Nếu cách đối xử với người khác là thước đo của sự thờ phượng thật đối với Đức Chúa Trời, bạn đánh giá sự thờ phượng của bạn ra sao? Bạn có thể làm gì trong tuần này để vâng lời Chúa bằng cách yêu thương người khác?

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

————————-

PHỤ LỤC

GIÁO LÝ QUAN TRỌNG: Cơ Đốc nhân và trật tự xã hội Chúng ta nên cố gắng giúp đỡ trẻ mồ côi, người thiếu thốn, bị lạm dụng, già yếu, không nơi nương tựa và bệnh tật. (xem Xuất Ê-díp-tô ký 22:21-22; Gia-cơ 1:27

KỸ NĂNG KINH THÁNH: Sử dụng Thánh Kinh Phù Dẫn và/hoặc Tự Điển Kinh Thánh để học biết thêm về một nét đặc trưng trong đời sống tôn giáo của Y-sơ-ra-ên.

Sử dụng từ điển đối chiếu để tìm các tài liệu tham khảo về Si-lô trong Kinh Thánh và đọc bài viết về Si-lô trong từ điển Kinh Thánh. Lưu ý những người chủ chốt và các sự kiện liên quan đến Si-lô. Ghi xuống những khám phá của bạn về vai trò và tầm quan trọng của Si-lô trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Những gì bạn đã học giúp bạn hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của lời cảnh báo trong Giê-rê-mi 7:12?

BỐI CẢNH BÀI HỌC GIÊ-RÊ-MI 7:1–10:25

Chúa sai Giê-rê-mi đến cổng đền thờ để công bố sứ điệp mới. Nhà tiên tri đã cảnh báo mọi người đừng tin vào những kẻ lừa dối khi họ khẳng định rằng thành Giê-ru-sa-lem và cư dân của nó được an toàn khỏi sự phán xét vì đền thờ nằm ở giữa họ. Thay vào đó, hy vọng duy nhất của họ để ngăn chặn sự phán xét của Đức Chúa Trời là hãy hối cải và trở về với Chúa trong sự thờ phượng và phục vụ một cách trung tín.

Đức Chúa Trời khước từ những của lễ của dân sự vì sự giả hình của họ. Họ làm như là họ cam kết với Chúa trong khi họ đang thờ các thần khác. Thậm chí họ còn dâng con cái họ làm sinh tế cho các tà thần trong thung lũng Hinh-nôm. Giê-rê-mi tuyên bố rằng thung lũng Hinh-nôm sẽ được gọi là thung lũng giết người bởi vì các chim ưng sẽ ăn nuốt xác của những kẻ thờ hình tượng trong nơi đó (Giê-rê-mi 7:16–8:3).

 Người ta tự cho mình là khôn ngoan vì họ có luật pháp của Đức Chúa Trời nhưng liên tục cư xử trái ngược với luật của Chúa. Tệ hơn nữa, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã lừa dối dân sự bằng cách khiến họ tin tất cả đều bình an mặc dù sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp xảy ra. Vì Giu-đa không chịu ăn năn, Chúa sẽ sai quân đội từ phương bắc đến tàn phá đất đai và giết sạch cư dân tại đó. Tất cả những gì còn lại cho họ chỉ là thương tiếc và than khóc về sự hủy diệt và lưu đày của họ. Những người nghĩ rằng mình khôn ngoan, mạnh mẽ, hoặc giàu có không nên khoe khoang về chúng. Chỉ một mình Chúa là trung tín, công bình và công chính (8:4–9:26).

Giê-rê-mi ca ngợi Chúa, tuyên bố không có ai giống như Ngài. Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời chân thật, hằng sống và là Vua đời đời. Tiếp theo, tiên tri bày tỏ sự đau buồn trước sự hủy diệt sắp xảy ra cho Giu-đa và cầu xin Đức Chúa Trời thương xót trong sự phán xét của Ngài. Ông cũng cầu xin Chúa trừng phạt các quốc gia đã tấn công và tiêu diệt dân sự Ngài (10:1-25).

Đọc Giê-rê-mi 7:1-15 trong Kinh Thánh của bạn, lưu ý sự tương phản giữa sự thờ phượng thật và sự thờ phượng sai lầm. So sánh đoạn văn này với Ma-thi-ơ 21:12-13.