“Sự công bình” là một chủ đề hết sức quan trọng mà mỗi người học Kinh thánh phải đích thân nghiên cứu sâu rộng khái niệm này.
Trong Cựu ước bản tính của Đức Chúa Trời được mô tả là “công minh” hay “công bình.” Từ ngữ từ tiếng Mê-sô-bô-ta-mi này bắt nguồn từ một cây sậy dọc theo sông được dùng như một công cụ trong xây dựng để định đường thẳng theo chiều ngang của các bức tường hoặc các hàng rào. Chúa dùng từ ngữ này để chỉ cách hình bóng về bản tính của Ngài. Ngài là cây thước thẳng mà tất cả mọi sự đều phải căn cứ vào đó để đo. Khái niệm này khẳng định sự công bình của Đức Chúa Trời cũng như quyền đoán xét của Ngài.
Con người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 1:26-27; 5:1, 3; 9:6). Con người được dựng nên để thông công với Đức Chúa Trời. Tất cả mọi tạo vật là cơ sở hay nền tảng cho sự tương giao giữa con người và Đức Chúa Trời. Ngài muốn tạo vật tối cao nhất của Ngài là con người biết Ngài, yêu mến Ngài, phục vụ Ngài và trở nên giống như Ngài! Sự trung thành của con người đã được thử nghiệm (Sáng thế ký 3) và cặp vợ chồng đầu tiên đã thất bại tại cuộc thử nghiệm này. Kết quả là mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con người đã bị gián đoạn (Sáng 3; Rô-ma 5:12-21).
Đức Chúa Trời hứa sẽ hàn gắn và phục hồi lại mối liên hệ này (Sáng 3:15). Ngài thực hiện điều này bằng chính ý định của Ngài và qua chính Con của Ngài. Con người không thể phục hồi lại sự rạn nứt này (Rô-ma 1:18-3:20).
Sau sự sa ngã của loài người, thì bước đầu tiên mà Đức Chúa Trời hướng đến sự phục hồi mối liên hệ là khái niệm giao ước dựa trên sự mời gọi của Ngài và sự đáp ứng bằng sự ăn năn, tin cậy, và vâng lời của con người. Bởi sự sa ngã, con người không có khả năng làm được điều đúng (Rô-ma 3:21-31; Ga-la-ti 3). Chính Chúa đã phải đích thân khởi xướng việc phục hồi những con người vốn đã không giữ được giao ước. Ngài làm điều này bằng cách:

  1. Tuyên bố con người tội lỗi là công bình qua công tác của Đấng Christ (sự công bình theo pháp lý)
  2. Ban tặng không sự công bình cho con người qua công tác của Đấng Christ (sự công bình được ban cho)
  3. Ban Đức Thánh Linh ngự vào con người để tạo nên sự công bình (công bình về mặt đạo đức) nơi con người.
  4. Phục hồi mối liên hệ ở vườn Ê-đen bằng cách phục hồi ảnh tượng của Đức Chúa Trời trong những tín nhân (Sáng-thế-ký 1:26-27) (sự công bình trong mối liên hệ).
    Tuy vậy, Chúa đòi hỏi một sự đáp ứng theo giao ước. Chúa ban (cho không) và cung cấp, nhưng con người phải đáp ứng và liên tục đáp ứng qua:
  5. Sự ăn năn
  6. Đức tin
  7. Lối sống vâng phục
  8. Sự bền đỗ
    Vì vậy, sự công bình là một hành động hỗ tương trong giao ước giữa Chúa và tạo vật cao quý nhất của Ngài. Nó dựa vào bản tính của Đức Chúa Trời, công tác cứu chuộc của Đấng Christ, và sự vùa giúp của Đức Thánh Linh, mà mỗi cá nhân phải đích thân và liên tục đáp ứng lại một cách thích đáng. Khái niệm này được gọi là “xưng công bình bởi đức tin.” Khái niệm này được bày tỏ trong các sách Phúc âm, nhưng những chữ này không có trong các sách Phúc âm. Phao lô là người đầu tiên định nghĩa từ ngữ này và sử dụng tiếng Hy lạp “sự công bình” trong nhiều dạng khác nhau hơn 100 lần.

Phao lô, vốn là một Ra-bi Do thái, sử dụng từ dikaiosune từ ý nghĩa của tiếng Hê-bơ-rơ SDQ lấy từ bản Bảy Mươi, chứ không phải từ văn chương Hy lạp. Trong các tác phẩm Hy lạp, chữ này chỉ một ai đó làm theo mong đợi của các Thần thánh hay của một xã hội. Trong ý nghĩa tiếng Hê-bơ-rơ nó luôn được dùng trong các từ ngữ thuộc về giao ước. Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời công bình và thánh thiện. Ngài muốn dân của Ngài bày tỏ các đức tính của Ngài. Những con người được mua chuộc là những tạo vật mới. Sự mới mẻ này phải có kết quả là một cách sống thánh thiện (khía cạnh của sự xưng công bình mà Công giáo La-mã chú trọng). Vì Y-sơ-ra-ên theo chế độ thần quyền nên không có ấn định ranh giới rõ ràng giữa thế tục (các tiêu chuẩn xã hội) và thánh khiết (ý chỉ Đức Chúa Trời). Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp diễn đạt được sự phân biệt nầy và tiếng Anh dịch là “công minh” (justice) (liên hệ đến xã hội) và “công bình” (righteousness) (liên hệ đến tôn giáo).
Phúc âm (Tin lành) của Chúa Jêsus là: Con người sa ngã đã được phục hồi mối tương giao với Đức Chúa Trời. Quan điểm có vẻ nghịch lý của Phao lô là: Qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời tha bổng cho người có tội. Điều này được hoàn tất qua tình yêu thương, sự thương xót, và ân điển của Đức Chúa Trời; qua đời sống của Đức Chúa Con, sự chết và sống lại của Ngài; và Đức Thánh Linh thuyết phục, đưa dẫn con người đến với Phúc âm. Sự xưng công bình là một hành động ban cho như không của Đức Chúa Trời, nhưng nó phải đem lại sự tin kính (lập trường của Augustine bao gồm quan điểm của những nhà Cải chánh chú trọng vào sự ban cho như không và sự nhấn mạnh vào một đời sống yêu thương và trung tín được thay đổi của Công giáo La-mã). Đối với người Cải chánh, từ ngữ “sự công bình của Đức Chúa Trời” là một SỞ HỮU CÁCH KHÁCH QUAN (OBJECTIVE GENITIVE) (tức là hành động làm cho con người tội lỗi được Chúa chấp nhận [sự nên thánh theo địa vị ]), trong khi đối với người Công giáo nó là một SỞ HỮU CÁCH CHỦ QUAN (SUBJECTIVE GENITIVE), tức là nói đến tiến trình trở nên càng giống Chúa hơn (sự nên thánh theo kinh nghiệm tiệm tiến). Trong thực tế, nó là cả hai .
Cả Kinh thánh từ Sáng thế ký 4 đến Khải huyền 20, ký thuật về việc Đức Chúa Trời phục hồi lại mối liên hệ tại Ê-đen. Kinh thánh bắt đầu bằng mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người trên đất này (Sáng thế ký 1-2) và kết thúc cũng với bối cảnh đó (Khải huyền 21-22). Ảnh tượng và mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được phục hồi!
Để dẫn chứng tài liệu về đề tài mới vừa đề cập, xin lưu ý đến những phân đoạn Kinh thánh Tân ước được chọn lọc sau đây minh họa nhóm từ tiếng Hy lạp.

  1. Đức Chúa Trời công bình (thường cặp theo Đức Chúa Trời là Quan án)
    a. Rô-ma 3:26
    b. II Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-6
    c. II Ti-mô-thê 4:8
    d. Khải huyền 16:5
  2. Đức Chúa Jêsus công bình
    a. Công-vụ 3:14; 7:52; 22:14 (danh hiệu Mê-si)
    b. Ma-thi-ơ 27:19
    c. I Giăng 2:1, 29; 3:7
  3. Ý chỉ của Đức Chúa Trời cho tạo vật của Ngài là công bình
    a. Lê-vi-ký 19:2
    b. Ma-thi-ơ 5:48 (5:17-20)
  4. Cách Chúa cung ứng và chu cấp sự công bình
    a. Rô-ma 3:21-31
    b. Rô-ma 4
    c. Rô-ma 5:6-11
    d. Ga-la-ti 3:6-14
    e. Được Chúa ban cho
    i. Rô-ma 3:24; 6:23
    ii. I Cô-rinh-tô 1:30
    iii. Ê-phê-sô 2:8-9
    f. Nhận bởi đức tin
    i. Rô-ma 1:17; 3:22,26; 4:3,5,13; 9:30;10:4,6,10
    ii. I Cô-rinh-tô 5:21
    g. Qua công tác của Đức Chúa Con
    i. Rô-ma 5:21-31
    ii. II Cô-rinh-tô 5:21
    iii. Phi-líp 2:6-11
  5. Ý chỉ của Chúa là những người theo Ngài phải trở nên công bình
    a. Ma-thi-ơ 5:3-48; 7:24-27
    b. Rô-ma 2:13; 5:1-5; 6:1-23
    c. II Cô-rinh-tô 6:14
    d. I Ti-mô-thê 6:11
    e. II Ti-mô-thê 2:22; 3:16
    f. I Giăng 3:7
    g. I Phi-e-rơ 2:24
  6. Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian bằng sự công bình
    a. Công-vụ 17:31
    b. II Ti-mô-thê 4:8
    Sự công bình là đặc tính của Đức Chúa Trời, ban cho như không cho con người tội lỗi qua Đấng Christ. Nó là:
  7. Một sắc lệnh (pháp lệnh)
  8. Một quà tặng từ Đức Chúa Trời
  9. Một hành động của Đấng Christ
    Nhưng nó cũng là một tiến trình trở nên công bình, một điều phải được theo đuổi cách mãnh liệt và đều đặn; nó sẽ đi đến tột đỉnh ở lần đến thứ hai của Chúa. Mối tương giao với Chúa được phục hồi ở sự cứu rỗi, nhưng cứ phát triển càng hơn cho đến khi mặt gặp mặt với Chúa nơi Thiên đàng hoặc khi qua đời!
    Sau đây là một trích dẫn tốt từ tự điển Dictionary of Paul and His Letters của nhà xuất bản IVP:
    “So với Lu-thơ, Can-vin nhấn mạnh nhiều hơn về khía cạnh liên hệ trong khái niệm công bình. Lu-thơ coi sự công bình là sự tha thứ bản thể tội lỗi chúng ta, còn Can-vin coi là sự ban cho chúng ta bản thể công bình của Đức Chúa Trời. (p. 834).
    Đối với tôi, mối tương giao của một tín nhân đối với Đức Chúa Trời có ba phương diện:
  10. Phúc Âm là Nhân Vật (Đông Giáo hội và trọng điểm của Calvin)
  11. Phúc Âm là Chân Lý (trọng điểm của Luther và Augustine)
  12. Phúc Âm là một đời sống được biến đổi (trọng điểm của Công giáo)
    Tất cả những điều này đều đúng và phải được cân nhắc chung với nhau để có được một đốc giáo lành mạnh, đúng đắn, và đúng Kinh thánh. Nếu một ai đó nhấn mạnh quá mức hay xem nhẹ điểm nào tất cả, họ sẽ gặp nan đề. Tóm lại:
    Chúng ta phải mời Chúa Jêsus vào lòng!
    Chúng ta phải tin Phúc Âm !
    Chúng ta phải theo đuổi sự trở nên giống Đấng Christ!

[I-sa 1: Bob Utley]